Từ sự tiện lợi...
Các sản phẩm từ nhựa, trong đó có túi nylon xuất hiện phổ biến tại Việt Nam từ vài thập kỷ trước. Nó được xem như một giải pháp tiện ích thay thế cho các sản phẩm đóng gói, bao bì bằng lá, túi giấy hay các giỏ xách cồng kềnh để bao gói, đựng các vật dụng cần thiết từ thức ăn đến hóa mỹ phẩm,... Người tiêu dùng thầm “cảm ơn” nhà sản xuất đã chế tạo ra một sản phẩm tiện lợi cho người người, nhà nhà. Sự tiện lợi từ sản phẩm bằng nhựa này là có thật.
Khi đi chợ, nếu quên mang giỏ đệm, người dân có thể sử dụng hàng chục túi nylon đựng đồ ăn, thức uống mang về đến nhà một cách an toàn mà không phải lo lắng bị rơi rớt.
Khi đi du lịch, du khách có thể uống nước đóng chai, hoặc những thức uống đựng trong ly nhựa được khuyến mãi thêm vài cái ống hút nhựa để làm dịu cơn khát.
Khi đi làm, đi học, người dân có thể ghé bên đường mua vài hộp cơm, hộp xôi với vài cái muỗng nhựa được cho là rất tiện lợi.
Thậm chí một cái tăm bông với thân được làm bằng nhựa cũng được xem là tiện ích và sạch sẽ, có thể thay thế cho những cái lông gà, lông vịt đã phơi khô được làm đồ ngoái tai rất xa xưa.
Các nhà sản xuất làm ra sản phẩm tiện ích bằng nhựa đã góp phần làm cho cuộc sống hiện đại trở nên dễ dàng hơn.
...đến mối nguy hại cho môi trường
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất song để phân hủy thì cần từ 500 -1.000 năm. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý.
Theo Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường: ở Việt Nam, nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi nylon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam là 1/5 quốc gia được xếp vào nhóm thải ra môi trường nhiều rác thải nhất. GS.TS Đặng Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Nếu rác thải nhựa đốt cùng với rác thông thường sẽ sinh ra khí độc và thậm chí thải ra cả chất độc dioxin. Đáng ngại nữa chất thải nhựa, ví dụ là túi nylon, chôn lấp lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất.
Và nhận thức của sinh viên DLA
Như vậy, bên cạnh lợi ích trước mắt mà các sản phẩm từ nhựa mang lại thì tác hại lâu dài của nó là quá lớn đối với môi trường sống của chúng ta. Với vai trò tiên phong, luôn luôn thể hiện bản lĩnh của đội ngũ trí thức, thời gian qua Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An đã đi đầu trong nhiều hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường. Ngoài việc hưởng ứng các hoạt động theo kế hoạch của Tỉnh đoàn và các cơ quan mặt trận đoàn thể khác, Đoàn trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An luôn vận động, tuyên truyền trong đội ngũ đoàn viên, thanh niên của mình thay đổi nhận thức về môi trường và hướng đến bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Các hoạt động về môi trường được tuyên truyền trong đoàn viên như phát động và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày quốc tế đa dạng sinh học, Ngày môi trường thế giới,... đặc biệt hưởng ứng phong trào Bảo vệ môi trường và nói không với việc sử dụng túi nylon. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, từ đó ý thức tích cực trong đội ngũ đoàn viên DLA được lan tỏa.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại lễ ra quân Toàn quốc chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức, sinh viên DLA đã có những chia sẻ tích cực về bảo vệ môi trường trước rác thải nhựa:
Sử dụng túi nylon mang đến sự tiện lợi rất lớn cho người dùng với giá thành rất rẻ, tuy nhiên nó đang là bóng ma tàn phá ghê gớm cho môi trường và con người, nếu không kịp thời giải quyết sẽ trở thành vấn nạn của toàn nhân loại.
Là sinh viên em sẽ tự nâng cao ý thức của bản thân và tuyên truyền cho mọi người cùng làm theo. Hạn chế sử dụng các hộp, túi, chai nhựa, ly nhựa thay vào đó sẽ sử dụng hộp giấy, túi vải, chai thủy tinh, ly thủy tinh. Bỏ đúng nơi quy định sau khi sử dụng và phân loại rác hợp lý...
Bản thân em là sinh viên của trường DLA, em được hướng dẫn và tuyên truyền rất nhiều về tác hại của nylon và rác thải nhựa đối với môi trường. Bên cạnh đó, em cũng đã được học tập nhiều điều trong đợt tập huấn “Phòng chống rác thải nylon và rác thải nhựa” do Tỉnh đoàn Long An tổ chức.
Do đó, em sẽ gương mẫu và tuyên truyền, vận động các bạn sử dụng những sản phẩm có thể phân hủy được như túi vải, túi giấy, … tuyên truyền cho gia đình và bạn bè , sau đó là địa phương nơi em sinh sống biết về tác hại của nylon và rác nhựa. Khuyên mọi người nên hạn chế sử dụng túi nylon và đồ nhựa đến mức có thể.
Bản thân em đã từng là một người rất thích sử dụng túi nylon và chai nhựa. Nhưng sau khi được tham gia chương trình tập huấn về bảo vệ môi trường “Hãy nói không với túi nylon, hạn chế sử dụng đồ nhựa” với thông điệp “Môi trường không ngại đợi chúng ta thay đổi nhận thức, chỉ cần chúng ta biết thay đổi từ bây giờ” hiện tại em đã thay đổi cách suy nghĩ
Với vai trò là một sinh viên DLA, em sẽ tự nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường của mình hơn, hạn chế đến mức có thể việc sử dụng túi nylon thay bằng dạng túi sinh học. Đồng thời kêu gọi mọi người cùng chung tay thực hiện. Hãy dũng cảm thay đổi thói quen, sự thay đổi đó thật sự xứng đáng cho tương lai của chúng ta.
Hiện nay, túi nylon được mọi người sử dụng rất phổ biến và tiện dụng cho người sử dụng nên túi nylon và chai nhựa được thải ra môi trường khá lớn và nó rất khó phân hủy trong môi trường.
Với trách nhiệm là sinh viên, em nghĩ mình nên làm gương và phải kêu gọi mọi người nói không với túi nhựa mà chuyển qua sử dụng túi sinh học, túi vải, túi giấy,… và vận động mọi người bỏ rác đúng nơi. Đồng thời, khuyến khích mọi người tái chế những chai nhựa làm vật dụng cần thiết cho mình.
Túi nylon và rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn môi trường trên toàn thế giới.
Chúng ta phải quan tâm hơn đến hành tinh này trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Hãy cùng chung tay hành động, bởi việc thay đổi không đơn giản dựa vào một vài cá nhân. Số ít không thể tạo ra sự khác biệt nhưng khi 100 triệu người quyết định cùng hành động, đó mới thực sự mang đến những tác động mạnh mẽ.
Thời gian qua, Đoàn viên, thanh niên DLA luôn xung phong đi đầu trong các phong trào, hoạt động từ học tập đến các hoạt động xã hội. Việc phòng chống rác thải nhựa là việc khó khăn đòi hỏi ý thức của cả cộng đồng. Với trách nhiệm cá nhân, mỗi đoàn viên DLA sẽ là một tuyên truyền viên góp phần cùng xã hội nói không với rác thải nhựa, hướng đến một môi trường xanh bền vững.
Ban Thông tin